GIÁ TRỊ BẤT ĐỘNG SẢN GẤP 4 LẦN GDP TOÀN CẦU

  • Đăng bởi Tâm Vàng Group
  • 06.10.2021

Giá trị của tất cả các loại bất động sản trên toàn thế giới đạt mức cao kỷ lục với 326,5 tỷ tỷ USD vào năm 2020, tăng 5% so với năm 2019, gấp gần 4 lần GDP toàn cầu…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ bất động sản nhà ở, với tỷ trọng lớn nhất, chiếm 79% tổng giá trị bất động sản toàn cầu, đạt mức 258,5 nghìn tỷ USD. Giá trị của bất động sản nhà ở trong năm vừa qua tăng 8%.

Là kho lưu trữ của cải quan trọng nhất trên thế giới, theo Savills giá trị bất động sản toàn cầu cao hơn giá trị gộp của chứng khoán và trái phiếu, và gấp gần 4 lần GDP toàn cầu. Giá trị của tất cả các mỏ vàng được khai thác hiện nay khoảng 12,1 nghìn tỷ USD, chỉ bằng 4% giá trị bất động sản toàn cầu.

Giá trị của tất cả các mỏ vàng được khai thác hiện nay chỉ bằng 4% giá trị bất động sản toàn cầu - Nguồn: Savills.

Đại dịch đã mang tới những thay đổi đáng kể đối với bình diện thị trường bất động sản toàn cầu.

Với một số nước đang phục hồi sau dịch, thị trường đầu tư bất động sản toàn cầu đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong đầu năm 2021 khi phân khúc nhà ở nhiều hộ gia đình vượt qua văn phòng để trở thành phân khúc lớn nhất toàn cầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, 136 triệu USD đã được đầu tư vào phân khúc nhà ở toàn cầu, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020.

BẤT ĐỘNG SẢN NHÀ Ở TẠI TRUNG QUỐC CHIẾM 30% TỔNG GIÁ TRỊ TOÀN CẦU

Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người là thị trường nhà ở có giá trị nhất thế giới và chiếm tới 30% tổng giá trị toàn cầu. Tổng giá trị nhà ở tại đây đã tăng 13% vào năm 2020 do giá cả tăng mạnh cùng với sự ra mắt các nguồn cung mới.

Thị trường nhà ở luôn được xem là kênh đầu tư an toàn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, Evergande, đứng trước nguy cơ sụp đổ, thị trường bất động sản nước này có thể sẽ có những hoạt động chậm lại trong vài tháng tới.

Theo sau là thị trường Mỹ, chiếm 11% tổng giá trị bất động sản nhà ở của thế giới.

Bất động sản nhà ở vẫn tăng trưởng 8% trong năm 2020 trên toàn cầu - Nguồn: Savills.

Theo số liệu ghi nhận, 10 quốc gia, bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Ý và Úc, chiếm 75% tổng giao dịch nhà ở toàn cầu.

Những bất động sản có giá trị cao tập trung nhiều ở châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm 43% tổng giá trị toàn cầu, mặc dù số dân ở đây chỉ chiếm 17% dân số thế giới.

BẤT ĐỘNG SẢN THƯƠNG MẠI TẠI MỸ LỚN NHẤT

Tổng giá trị bất động sản thương mại toàn cầu giảm 5% vào năm 2020 xuống còn 32,6 nghìn tỷ USD, vào thời điểm sản lượng kinh tế toàn cầu giảm hơn 3%.

Mỹ là thị trường bất động sản thương mại lớn nhất toàn cầu, với 27% tổng giá trị. Tiếp đến là Trung Quốc với 16% và Nhật Bản là 6%. Ba quốc gia này chiếm gần một nửa tổng giá trị bất động sản thương mại toàn cầu.

Savills dự báo bất động sản thương mại toàn cầu một lần nữa sẽ đạt mức cao mới vào cuối năm nay, với mức tăng trưởng về giá trị dự kiến ​​là 5% vào năm 2021, lên mức 34,3 nghìn tỷ USD.

Về lĩnh vực đất nông nghiệp đang được định giá khoảng 35,4 nghìn tỷ USD. Đất nông nghiệp hiện có giá trị hơn tất cả các loại hình bất động sản thương mại.

THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM: GIAO DỊCH GIẢM, GIÁ TĂNG

Ông Vincent Nguyễn, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Nhà ở, Savills TP.HCM, cho biết trong khi tại nhiều nước, số lượng giao dịch đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2021 thì lượng giao dịch nhà ở tại Việt Nam lại ghi nhận mức giảm.

Tại TP.HCM, số lượng giao dịch biệt thự và nhà liền kề trong quý 2/2021 giảm 33% theo năm. Những lý do tác động có thể kể đến: người mua trở nên thận trọng hơn trước dịch bệnh, nguồn cung hạn chế hơn và số lượng tồn kho có là tài sản có giá thành cao.

Nguồn cung hạn chế cũng đồng thời gia tăng khi các đợt mở bán bị hoãn và vấn đề pháp lý tồn đọng của một vài dự án.

Thị trường Việt Nam hiện chưa ghi nhận sự thay đổi trong mô hình làm việc kết hợp như các thị trường khác, diện tích nhà ở vẫn khá nhỏ, thời gian di chuyển ngắn và hầu hết các nhân viên đều mong muốn được đến văn phòng để giao lưu và kết nối với mọi người.

Về giá bất động sản, theo ông Troy Griffth, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam, với lựa chọn đầu tư hiện vẫn hạn chế, việc đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam sẽ vẫn được tiếp tục. Do đó, quý 2/2021 là quý thứ 10 liên tiếp thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận mức giá tăng, với giá sơ cấp tại quận Cầu Giấy tăng khoảng 14%/năm kể từ năm 2017.

Tại TP.HCM, với việc nguồn cung sơ cấp hạn chế, các hoạt động của thị trường bất động sản thấp tầng vẫn khá tốt, với mức tăng giá thứ cấp đạt 15-20% tại quận 7, quận 9 và huyện Nhà Bè.

Tăng trưởng giá thứ cấp bất động sản thấp tầng tại TP.HCM trong quý 2/2021 - Nguồn: Savills Việt Nam.

Phân tích tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, thị trường sẽ không chỉ dừng lại ở bất động sản nhà ở, các phân khúc hứa hẹn khác có thể kể đến là bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp và bất động sản bán lẻ. Đặc biệt khi nguồn cung bất động sản thương mại tại Hà Nội trong tương quan với các thành phố khác trên thế giới vẫn còn khá hạn chế.

Hơn nữa, nhu cầu dành cho bất động sản công nghiệp cũng gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua với nhiều loại hình mới như bất động sản trung tâm dữ liệu, trung tâm logistics hay kho lạnh công nghiệp.

Bài viết liên quan
08.7939.3727